Câu chuyện sản phẩm
Raglai là một tộc người thuộc 54 dân tộc anh em Việt Nam, sinh sống chủ yếu ở các vùng núi Nam Trung Bộ trong đó chủ yếu ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hoà, Lâm Đồng,… Tại mỗi địa phương khác nhau, đều có bản sắc văn hoá riêng biệt, như văn hoá ẩm thực của người Raglai Lâm Đồng là các món lấy từ rừng; người Raglai Ninh Thuận là món thịt heo đen gác bếp; còn người Raglai tại Khánh Hoà là món gà gác bếp.
Người Raglai tại Khánh Hoà, chủ yếu sinh sống tại huyện vùng núi Khánh Sơn, tại các núi cao, nên điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Món ăn gà gác bếp là một món ăn được chế biến từ những con gà đồi (giống gà bản địa) tạo ra một hương vị và cảm giác ăn khác biệt so với các giống gà khác. Nhận thấy khả năng thương mại hoá với món ăn này, đồng thời với mong muốn hỗ trợ, nâng cao đời sống của người dân Raglai tại địa phương. Một số người dân tộc Raglai tại thôn Apa 2, xã Thành Sơn đã chung tay thành lập Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Thành Sơn và sau một thời gian ấp ủ đã cho ra mắt thị trường sản phẩm “Gà gác bếp Raglai”.
Sản phẩm vẫn giữ được hương vị chuẩn của món gà gác bếp của đồng bào Raglai. Do giống gà được sử dụng là gà đồi, được nuôi theo cách thức vô cùng đặc biệt của người dân nơi đây. Gà chỉ được cho ăn một bữa duy nhất là bữa sáng với thức ăn là hạt bắp, sau đó sẽ được chủ chăn thả tại vườn. Quá trình chăn nuôi hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng thức ăn công nghiệp hay thuốc, vì vậy gà lớn lên khoẻ mạnh, thịt dai, chắc, ngọt. Với chất lượng thịt gà như vậy là nguyên liệu tuyệt vời để làm nên món Gà gác bếp Raglay.
Thịt gà sau khi được xử lý sạch sẽ, sẽ được tẩm ướp gia vị theo công thức truyền thống của người Raglai và được sấy thịt trên bếp lửa trong vòng 2 – 3 ngày, đảo thịt thường xuyên để đạt được món Gà gác bếp Raglay chất lượng. Gà có màu nâu sẫm, ăn thấy thịt chắc, ngọt và thấm đẫm gia vị, tạo nên mùi vị món ăn tuyệt vời.