Khám phá vẻ đẹp núi rừng Khánh Sơn

Nhắc đến Khánh Hòa, không ít du khách nghĩ ngay đến biển xanh, cát trắng, nắng vàng; mơ về những khu nghỉ dưỡng yên bình… Thế nhưng, Khánh Hòa không chỉ có biển mà còn có rừng và rừng Khánh Hòa cũng rất đẹp, đặc biệt là núi rừng ở Khánh Sơn.  

Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi ngược đèo Khánh Sơn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp núi rừng của xứ Trầm Hương. Từ trên đỉnh đèo nhìn ngược về phía biển, Tỉnh lộ 9 nối Cam Ranh – Khánh Sơn uốn lượn đẹp như tranh, trước mặt là thung lũng Ba Cụm Bắc chìm trong làn sương mỏng. Những tia nắng ban mai vén dần sương trắng làm lộ ra những mảng xanh của cánh đồng lúa nước, mía tím, nương bắp…, những mái nhà thấp thoáng ven sườn đồi. Trên đường vào thị trấn Tô Hạp, thi thoảng bắt gặp những cây hoa bằng lăng nở tím, rồi những khóm dã quỳ nở vàng hoang dại bên đường… gợi nên nét đẹp của thị trấn miền sơn cước. Trên đường đi, tôi gặp 2 khách du lịch nước ngoài tìm đường vào thác Tà Gụ. Hỏi chuyện những cán bộ địa phương mới biết, tuy còn đơn lẻ nhưng khách du lịch đã tìm đến với Khánh Sơn để được trải nghiệm cảm giác chinh phục đường đèo quanh co, hòa mình vào làn nước mát lạnh của các thác nước giữa rừng già, khám phá nền văn hóa Raglai vô cùng độc đáo.

Nhóm du lịch phượt nghỉ chân trên đường đi trekking ở Tà Giang, Thành Sơn.

Ông Nguyễn Văn Nhuận – Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, một trong những định hướng phát triển kinh tế của Khánh Sơn là khai thác tiềm năng du lịch. Nhiều người cứ nghĩ Khánh Sơn chỉ có mỗi thác Tà Gụ, nhưng nếu chịu khó khám phá, miền đất này còn ẩn chứa nhiều vẻ đẹp khác như: thác Dốc Quy (xã Sơn Lâm), khu vực Suối Đá (xã Ba Cụm Bắc), các thác nước ở Tà Giang (Thành Sơn)… Huyện Khánh Sơn đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, huyện đã đầu tư trùng tu, sửa chữa Nhà dài (thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp) làm nơi tái hiện những sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào Raglai phục vụ khách tham quan. Đồng thời, huyện cũng đã nâng cấp, sửa chữa đường giao thông lên thác Tà Gụ, khảo sát, xác định những khu vực có các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng; phục dựng các lễ hội truyền thống, khôi phục lại nghề đan lát thủ công mỹ nghệ truyền thống, tổ chức các đội mã la… để phục vụ du lịch. Một số doanh nghiệp cũng đang có ý định đầu tư khu du lịch sinh thái để phục vụ du khách.

Lên Khánh Sơn lần này, chúng tôi được anh Cao Săn – cán bộ Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện giới thiệu tuyến đường trekking (đi bộ đường dài) rất đẹp ở xã Thành Sơn với hành trình: Tà Giang – thác La Van – Trại bò – núi Jarich – thác Sagai. Từ thôn Tà Giang khách sẽ men theo suối đá để đến với thác La Van, nơi có dòng nước trong xanh mát lạnh; khách có thể nghỉ ngơi, lắng nghe bản giao hưởng của thiên nhiên với tiếng gió của đại ngàn, tiếng nước chảy róc rách qua những tảng đá, tiếng chim hót líu lo trên những cành cây… Sau giờ phút thư giãn, khách tiếp tục băng rừng đến Trại bò (nơi đánh dấu ranh giới 3 tỉnh Khánh Hòa – Lâm Đồng – Ninh Thuận) nghỉ đêm, rồi đi bộ băng qua bãi cỏ tranh núi Jarich (Yên ngựa) để đón bình minh. Sau đó, khách quay trở về và ghé thác Sagai tắm gội, gột sạch những bụi trần của chuyến đi dài. Anh Nguyễn Thiều Sang chuyên dẫn đoàn khách du lịch phượt cho biết, qua khảo sát, tiềm năng để khai phá cung đường trekking ở Tà Giang rất lớn; những tấm hình được chụp ở cung đường này đã tạo sự thích thú đối với cộng đồng ưa khám phá trải nghiệm. Cuối tháng 4, anh tổ chức tour du lịch phượt khám phá cung đường trekking ở Tà Giang, mở đầu cho các tour du lịch khám phá núi rừng Khánh Sơn.

Khánh Sơn không chỉ có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp mà còn lưu giữ được những vỉa trầm tích văn hóa độc đáo của dân tộc Raglai. Khách đến với Khánh Sơn sẽ được hòa mình vào những đêm hội Raglai với tiếng mã la rộn ràng, với điệu múa dân dã mà không kém phần đặc sắc… Du lịch của Khánh Sơn là du lịch dành cho những bước chân ưa khám phá, không phải du lịch nghỉ ngơi thư giãn.

XUÂN THÀNH

Bài viết mới

Giỏ hàng
Lên đầu trang